Có ý kiến cho rằng việc xử lý của địa phương còn “kiêng nể”, có dấu hiệu bao che, trong khi những công trình đầu tư quy mô có yếu tố nước ngoài lại đang gặp khó thời gian qua.
Cụ thể là việc xây dựng nhà tràn lan trên đất nông nghiệp diễn ra ở phường 7, thành phố Đà Lạt nơi được coi là “vựa rau” của thành phố mù sương một thời.
Đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế, ông Nguyễn L.T (sinh năm 1955 ở phường 8, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, lớn lên và sinh sống hàng chục năm trên thành phố Đà Lạt, không khỏi xót xa khi chứng kiến thay đổi ở khu vực được coi là “vựa rau” chuyên cung cấp rau xanh cho thành phố Đà Lạt một thời. Khu vực này vốn được biết là đất nông nghiệp thuần tuý trồng rau. Nhưng khoảng 10 năm về trước khi thành phố mở rộng thì những vườn rau năm xưa đã mọc thành biệt thự, nhà đất…
Vựa rau ngày nào nay ngạo nghễ với những biệt thự mọc san sát.
Cũng theo phản ánh, trên trang Fanpage facebook Người Đà Lạt, nhiều người yêu thành phố tình yêu cũng không khỏi xót xa khi những khu vườn rau một thời bị chia nhỏ, xây dựng những biệt thự mà theo họ là không phép, trong đó nổi bật là công trình tại ngách 157B đường Thánh Mẫu, phường 7, thành phố Đà Lạt.
Trực tiếp có mặt tại khu vực ngách 157B Thánh Mẫu hôm 9/9, phóng viên không khỏi choáng ngợp trước công trình ngạo nghễ, to lớn và sang trọng. Căn biệt thự mà nhiều người chia sẻ hình ảnh nằm ngay đầu ngách 157B Thánh Mẫu được thiết kế thi công theo lối biệt thự, kiên cố.
Ảnh chụp từ trên cao khu biệt thự xây dựng trên đất nông nghiệp theo phản ánh của độc giả.
Theo thông tin phán ánh, công trình được cho là vi phạm này là của 3 người tên là L.Đ.B. (Mai Vinh), L.H.P. (Lâm Viên) và N.N.D đồng sở hữu. Theo quan sát, đây là ngôi biệt thự xây 2 tầng 1 mái trên diện tích rộng bát ngát trông rất hiện đại và bắt mắt. “Phải là người nhiều tiền và có thế lực mới làm được thế, ở đất Đà Lạt này…”, một người dân nói nhỏ với phóng viên..
Căn nhà này, xây dựng chắc chắn rất tốn kém.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mảnh đất rộng bát ngát trên có mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm khác… Dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn các chủ nhà và đất trên là ai mà làm được nhà to thế, bất chấp sự quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thời gian qua, ai chống lưng cho họ dám làm việc này?
Căn nhà được nêu trong bài phản ánh trên mạng xã hội với nhiều nghi vấn rằng có sự tiếp tay, bao che cho vi phạm…
“Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng rất gay gắt và quyết liệt xử lý các vấn đề được cho là vi phạm trong sử dụng đất đai, ngay cả những công trình đầu tư có yếu tố nước ngoài nghe nói còn nhiều tranh cãi, nhà đầu tư có hợp đồng hẳn hoi còn bị xử lý, bị đơn phương tạm ngừng hoạt động, không có nương nhẹ gì. Thế mà mấy căn nhà này mọc lên được, rồi ngang nhiên tồn tại thì quả là rất tài tình đấy…”, một người dân e dè nêu quan điểm với chúng tôi và nhất quyết không dám nêu tên vì…sợ.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến khác cho rằng những nghi vấn sai phạm tồn tại từ lâu, nếu không được giải quyết, làm rõ trách nhiệm và làm rõ để xử lý, đảm bảo môi đầu tư công bằng… sẽ tạo thành dư luận xấu ảnh hưởng đến môi trường đầu tư vốn đang không khả quan của thành phố cao nguyên.
Qua “cơn bĩ cực”, các nhà đầu tư, cử tri và người dân cao nguyên đang rất tin tưởng một làn gió mới đang đến mang những điều tốt đẹp cho tương lai Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng. Điều này thể hiện trong Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái chủ trì, đưa ra nhiều cách tiếp cận về các vấn đề khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều tháng nay của tỉnh; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải có lộ trình và giải pháp tháo gỡ một cách thấu đáo, dù không thể làm ngay, nhưng không thấy khó mà dừng lại…
Tiến Phát