Tại Hội thảo “Thanh toán không tiền mặt: Động lực tăng trưởng kinh tế số” diễn ra ngày 14/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng cần hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thanh toán sáng tạo, an toàn
Tham dự lễ khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM – PGS.TS Vũ Hải Quân cùng đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước; UBND TPHCM, các sở, ngành thành phố…
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương nhấn nút khai mạc Lễ hội Ngày không tiền mặt 2025 tại TP. Hồ Chí Minh
Với khẩu hiệu “Chạm một phát – sống không cash”, lễ hội đã tái hiện một xã hội không tiền mặt đúng nghĩa: từ mua sắm bằng mã QR, dùng ví điện tử để ăn uống, quét thẻ không tiếp xúc để nhận ưu đãi, đến check-in, chơi game, nhận quà hoàn toàn không dùng tiền mặt.
Ngay sau lễ khai mạc, Hội thảo “Thanh toán không tiền mặt: Động lực tăng trưởng kinh tế số” diễn ra cùng ngày 14.6 tại khách sạn Rex. Hội thảo là nơi tổng kết thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 1813/QĐ-TTg về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Sự kiện năm nay không chỉ là một ngày hội trải nghiệm công nghệ mà còn là diễn đàn quan trọng công bố những số liệu mới nhất về hành vi người tiêu dùng, khẳng định sự chuyển dịch mạnh mẽ sang thanh toán số tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước đã công bố các số liệu cho thấy, đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có hơn 204,5 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, 154,1 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành; 86,97% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, nhấn mạnh rằng thanh toán số là chiến lược then chốt trong phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong hỗ trợ tiểu thương và chợ truyền thống hiện đại hóa mô hình kinh doanh.
Chương trình cần tập trung vào hai trụ cột: nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển hạ tầng số, đi kèm đào tạo kỹ năng số để tiểu thương bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Trong khi đó, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai Chương trình chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống trên toàn quốc, gắn với Quyết định 645/QĐ-TTg về phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Theo đó, việc tích hợp thanh toán không tiền mặt bằng QR Code, ví điện tử, thanh toán phi tiếp xúc không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành mà còn giúp tiểu thương mở rộng tệp khách hàng, tiếp cận tài chính số và gia nhập chuỗi cung ứng hiện đại.
Dự kiến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ trình Luật Thương mại điện tử, tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh số phát triển bền vững.
Tại hội thảo, Báo Tuổi Trẻ và Cốc Cốc đã chính thức công bố báo cáo khảo sát độc quyền “Thanh toán không tiền mặt – Thấu hiểu hành vi người dùng trong kỷ nguyên kinh tế số” với rất nhiều phát hiện mới như: Tiền mặt không còn giữ vị thế thống trị khi có tới 59% người dùng ưu tiên các phương thức thanh toán không tiền mặt trong giao dịch hàng ngày; QR Code là phương thức “quốc dân” và những rào cản nào đang ngăn người dân thanh toán không tiền mặt – đặc biệt ở nhóm tiểu thương và người lớn tuổi.
Nguyễn Nam