Ngày 28-9, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu đã công bố và tổ chức trao Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 năm 2024.
Theo đó, tác phẩm “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” của nhóm tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II), vinh dự được nhận Giải thưởng lần này.
Ban tổ chức cho biết, đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc; cung cấp nhiều tài liệu có giá trị tham khảo cao cho tất cả những ai quan tâm đến việc thu thập tri thức và thông tin đáng tin cậy về lịch sử vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945.
Đối chiếu với các tiêu chí để xét trao Giải thưởng Trần Văn Giàu, tác phẩm “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” tuy chưa có được dung lượng đồ sộ như các công trình được trao giải gần đây, đồng thời còn một số hạn chế; nhưng để khuyến khích nỗ lực nghiên cứu của các tác giả trẻ, mặt khác để góp phần giới thiệu và phát huy giá trị nguồn tài liệu lưu trữ phục vụ nghiên cứu, Ủy ban Giải thưởng quyết định trao Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 năm 2024 cho tác phẩm “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”.
Theo nhóm tác giả đạt giải thưởng, ngoài việc thừa hưởng một khối lượng tri thức đồ sộ đã công bố về Sài Gòn – Chợ Lớn từ các thế hệ và nhà nghiên cứu đi trước, các tác giả còn tiếp cận và xử lý một khối tài liệu lưu trữ lớn hiện đang bảo quản tại các trung tâm lưu trữ, đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
Nhóm tác giả nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ sự ghi nhận với công trình nghiên cứu tâm huyết của nhóm tác giả đóng góp cho lịch sử, văn hóa của đất nước, khu vực Nam Bộ và thành phố. Những nghiên cứu này giúp thành phố có thêm kho tư liệu quý làm cơ sở hoạch định chiến lược, chính sách văn hóa, xã hội phát triển của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu sẽ tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng việc giới thiệu, quảng bá giải thưởng; tăng cường gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa và tư tưởng, trên cơ sở đó phát hiện, tạo điều kiện cho những đề tài đáp ứng được tiêu chí của Giải thưởng Trần Văn Giàu tham gia đăng ký xét giải.
Tác phẩm “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu và khách mời đại diện cho các tỉnh thuộc vùng Nam Bộ, đặc biệt nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư – người đạt Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu năm 2023 đều chia sẻ mong muốn các tỉnh, thành phố thuộc vùng Nam Bộ sớm có các công trình nghiên cứu riêng; các tác giả chú trọng phát hiện nội dung ở nhiều khía cạnh mới, chuyên sâu về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Nam Bộ, đây là mảng đề tài rất quan trọng và thú vị mà từ trước đến nay chưa tìm được công trình phù hợp để trao tặng Giải thưởng. Nhân dịp này, các đại biểu và khách mời cũng chia sẻ những câu chuyện về cố Giáo sư Trần Văn Giàu, từ đó càng thêm trân trọng những cống hiến của cố Giáo sư cho nền khoa học nước nhà, đặc biệt là khoa học lịch sử vùng đất Nam Bộ.
Thiên Thảo