UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) đối với bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng (officetel, condotel) trên đất thương mại dịch vụ; giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thực hiện.
Theo đó, việc cấp sổ hồng được chia thành 2 quy trình. Quy trình số 1 dành cho chủ đầu tư dự án, gồm 5 bước, thời gian giải quyết trong 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Quy trình số 2 dành cho khách hàng, gồm 9 bước, giải quyết trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở TN-MT phối hợp với các sở Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, thực hiện các bước cấp sổ hồng.
Dù đã có quy trình nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều dự án vẫn chưa có khách hàng được cấp sổ hồng. Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện nay chỉ có duy nhất dự án Vega City Nha Trang (nay là Libera Nha Trang) đã được cấp sổ hồng. “Để được cấp sổ hồng, dự án phải qua nhiều bước thẩm định. Nhiều dự án có thể đang gặp vướng mắc nên chưa đủ đủ điều kiện cấp sổ” – lãnh đạo văn phòng này giải thích.
Tại Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy BĐS du lịch nghỉ dưỡng” mới diễn ra, Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam thông tin toàn thị trường có 726 sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được giao dịch thành công trong năm 2023. Lượng giao dịch chưa phục hồi như kỳ vọng do một số dự án gặp vướng mắc về pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng BĐS nói chung và officetel, condotel nói riêng gặp khó khăn bởi vướng mắc về pháp lý, việc định giá đất, giải phóng mặt bằng, cấp sổ hồng… Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm đồng bộ giữa các cấp quy hoạch còn mất nhiều thời gian.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong việc tháo gỡ vướng mắc về thực hiện các dự án BĐS tại nhiều địa phương, góp phần tăng nguồn cung cho thị trường. Việc Chính phủ trình Quốc hội thông qua sửa đổi các dự án luật rất quan trọng liên quan BĐS cũng giúp thị trường được gỡ vướng.
Mới đây, Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp thừa ủy quyền, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024, để thực thi từ tháng 7-2024, sớm hơn dự kiến 6 tháng.
Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS – Bộ Xây dựng, nếu các văn bản hướng dẫn sớm được thông qua với những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn sẽ giúp gỡ vướng cho condotel, officetel. “Thời gian tới, BĐS nghỉ dưỡng sẽ có tiềm năng bởi thị trường hồi phục dưới tác động của các bộ luật mới. Đây là tín hiệu vui cho các địa phương đang phát triển du lịch” – ông Hải đánh giá.
Tồn kho còn lớn
Theo Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, quý I/2024, toàn thị trường ghi nhận 9.970 sản phẩm BĐS du lịch được mở bán, trong đó có hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó. Chỉ có 5 dự án mở bán mới hoàn toàn, cung cấp ra thị trường 326 sản phẩm, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo nguồn cung BĐS du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có thể cải thiện khoảng 20% so với năm 2023.