Tác giả Dương Thành Truyền quan niệm rằng tiếng Việt có sự đóng góp của mỗi người.
Khi bàn về tiếng Việt, thường ta nghĩ đến những phân tích câu từ, ngữ pháp đậm tính giáo khoa, nghiên cứu phương ngữ, những áng văn thơ xưa và nay. Đó là những bộ sách không thể thiếu nhưng có thể phần nào khó tiếp cận với bạn đọc trẻ tuổi, bạn đọc phổ thông đọc không vì mục tiêu nghiên cứu học thuật. Trong “Tình ca tiếng nước ta”, tác giả Dương Thành Truyền chọn cách đắm mình vào thứ tiếng Việt tràn ngập sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng, trong… quán nhậu, báo chí, thể thao. Tác giả quan sát và ghi chép lại những phát hiện về cách dùng và “chơi” với tiếng Việt với tâm thế cởi mở, đặt ngôn ngữ trong sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống và giao lưu văn hóa đa chiều. Cuốn sách này hệ thống những quan sát dày công đó, cho bạn đọc hiểu thêm không chỉ về ngôn ngữ mà còn cung cấp nhiều thông tin về nhiều chủ đề trong cuộc sống.
Tác giả Dương Thành Truyền quan niệm rằng tiếng Việt có sự đóng góp của mỗi người, dù vô tình hay cố ý: “từng người trong muôn người cùng góp vào giai điệu nghĩ suy và tiết tấu giao tiếp bằng nguồn chất liệu vừa xưa cũ và hồn nhiên, vừa tươi mới mà sáng tạo.” Những kênh giao tiếp khác nhau sẽ tác động tới cách dùng ngôn ngữ; con người, đặc biệt là người trẻ luôn luôn thích “chơi chữ” theo nhiều cách khác nhau, mà các bài nhạc rap hiện giờ là ví dụ rõ nét. Nhưng với lối tiếng cận của tác giả trong cuốn sách này, ta chỉ thấy đó là một phần của quá trình phát triển ngôn ngữ, chứ không làm tiếng Việt mai một đi, bởi đó là đúc kết của “giá trị văn hóa mà bao thế hệ, quan ngàn đời đã trao truyền bằng lời, bằng mực cho một kho báu có sức sống mãnh liệt vì hôm nay và mai sau.”
Tác giả Dương Thành Truyền bàn về tiếng Việt từ tình yêu, cũng vì thế mà anh đặt tên sách là Tình ca tiếng nước ta. Anh cho biết, “Cứ khi nào bắt được, gặp được, chạm được một lối ăn nói, một kiểu chơi chữ, một phương thức diễn đạt độc đáo, bất ngờ, thú vị, ấn tượng… thì vui, thì mừng, có khi sảng khoái, có khi sung sướng và xúc động nữa, hệt như những khoảnh khắc mà người ta thường gọi là tình yêu!” Tình yêu đó đã cụ thể hóa thành hơn 400 trang sách, một độ dày “thách thức” nhịp sống nhanh hiện nay. Nhưng vì những ví dụ trong sách đưa ra quá phong phú, từ cổ chí kim, từ bình dân đến học thuật, nên lôi cuốn và thú vị.
Điều gì khiến anh lựa chọn để giới thiệu và truyền tình yêu “tiếng nước ta” đến với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi.
Tôi may mắn có được một thứ cảm xúc, có thể đặt tên là cảm – xúc – tiếng – nước – ta. Cứ khi nào bắt được, gặp được, chạm được một lối ăn nói, một kiểu chơi chữ, một phương thức diễn đạt độc đáo, bất ngờ, thú vị, ấn tượng… thì vui, thì mừng, có khi sảng khoái, có khi sung sướng và xúc động nữa, hệt như những khoảnh khắc mà người ta thường gọi là tình yêu!
Vậy nên; khi xem, khi đọc, khi nghe từ sách báo đến phim ảnh, từ thông điệp truyền thông đến lời ăn tiếng nói thường ngày… đồng thời còn có cơ hội được thưởng thức vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong thực tế sử dụng và phát triển xưa nay. Sách này, chính là những câu chuyện kể lại từ hành trình ngắm nhìn thế giới chữ nghĩa đã và đang đi cùng chúng ta mọi lúc, mọi nơi.
Hành trình này, có thể nói là bất tận. Không chỉ những lúc ngồi bên trang giấy, trước màn hình, qua mạng xã hội; ngay trong lúc vừa đánh bài, chơi cầu lông, xem bóng đá, đi trên phố, bù khú với bạn bè… ai ai cũng có thể khám phá và tận hưởng. Và khi cùng chia sẻ những câu chuyện này, rốt lại mọi người sẽ thấy tràn ngập trong lòng mình một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng mẹ đẻ – tiếng nói của quê hương, tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của lịch sử!
Có ý kiến từ phụ huynh cho rằng sách chỉ nên ưu tiên dùng “ngôn ngữ có trong từ điển” cho dễ hiểu, hạn chế dùng từ Hán Việt, phương ngữ… đặc biệt là sách cho thiếu nhi, anh có ý kiến như thế nào về bình luận đó?
“Ngôn ngữ của từ điển” là tài sản chung của xã hội. Tài sản ấy tạo ra giá trị khi chúng được tiêu xài và sinh lợi trong thực tế sử dụng và sáng tạo của mỗi người lúc nói lúc viết. Chúng ta cần phải không ngừng học và rèn với vốn liếng mà cha ông đã để lại cho đến hôm nay. Càng am hiểu, càng thấu đáo thì lời ta nói, chữ ta viết càng hiệu quả. Vấn đề không phải là nhắc nhau hạn chế điều này điều kia… Cốt lõi nằm ở chỗ chúng ta phải biết dùng đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng và phù hợp với phong cách cần thể hiện. Tin rằng, một khi đã yêu quý thực sự tiếng nước mình, chúng ta sẽ không ngừng học hỏi và nâng cao năng lực để không những nói đúng viết đúng, mà còn nói hay viết đẹp nữa.
Trong Tình ca tiếng nước ta, anh đã phân tích những ví dụ rất sát “trend” của bạn trẻ bây giờ, ví dụ như “see tình”. Anh có lo rằng những “chơi chữ” của bạn trẻ như vậy sẽ làm “biến tướng” sự trong sáng của tiếng Việt không? Theo anh “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt” nên căn cứ theo những nguyên tắc nào?
Ngôn từ không bất biến. Từ vựng và các phương thức diễn đạt sẽ thay đổi theo thời gian. Văn biền ngẫu xưa kia gắn liền với thời đại thi phú và văn tự Hán Nôm. Còn “see tình” lại là kiểu chơi chữ song ngữ của thời đại Internet và mạng xã hội vượt mọi biên giới.
“Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt” suy đến cùng dựa trên sự am hiểu sâu sắc những đặc nét và khả năng “riêng một góc trời” của tiếng nước ta, mà chiều sâu chính là tâm thức ngôn từ của người Việt, của văn hóa Việt. Cái chúng ta “cảnh giác” chính là lối ăn nói, viết lách của những người mà nhà văn Hồ Anh Thái gọi là “Tây An Nam” theo tên một vở kịch của nhà văn Nam Xương (1930): xem thường tiếng ta, lười nhác chuyển ngữ, tùy tiện chêm xen tiếng nước ngoài, dùng sai lệch từ vựng, bất chấp trật tự ngữ pháp…
Trong công cuộc này; thầy cô giáo trên bục giảng, các nhà văn, nhà báo, dịch giả trên các phương tiện thông tin đại chúng và những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng kỹ thuật số hiện nay đang có vai trò hết sức quan trọng: “vừa làm gương, vừa dẫn dắt” trong việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt cho hôm nay và mai sau!
Minh Tuấn