Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn lương thử việc, nhiều lao động đã từ chối cơ hội có việc làm ổn định dù đang thất nghiệp
Ngày hội việc làm được tổ chức tại quận 8, TP HCM mới đây có sự tham gia của 26 đơn vị, doanh nghiệp, tuyển dụng lên đến 1.700 vị trí việc làm. Nhiều vị trí cần tuyển dụng số lượng lớn lao động, không đòi hỏi bằng cấp, thu nhập dao động từ 7-15 triệu động kèm các chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhưng các doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ số lượng lao động như kỳ vọng.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần đông người lao động đến ngày hội việc làm chủ yếu để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, rất ít người có nhu cầu tìm kiếm làm ổn định.
Rảo quanh các gian hàng tuyển dụng, mặc dù có nhiều công việc phù hợp với bản thân, nhưng chị Nguyễn Thị Kiều (38 tuổi, quê Thanh Hóa) vẫn thờ ơ, thậm chí từ chối thẳng thừng khi doanh nghiệp mời đến nhận việc.
Trước đó, chị có hơn 15 năm nằm công nhân cho một doanh nghiệp giày da trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM. Hồi cuối năm ngoái, DN khó khăn về đơn hàng, chị Kiều nằm trong danh sách bị cắt giảm. Hiện, chị được hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 6 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng tối đa 12 tháng.
Sau khi nghỉ việc tại công ty cũ, chị xin vào làm công nhân cho một xưởng may gia công gần nhà. Tuy nhiên, để duy trì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị thỏa thuận với chủ xưởng là không ký hợp đồng lao động, để không phải tham gia BHXH.
“Biết là có rất nhiều công việc phù hợp với mình, nhưng đi làm chính thức, lương sẽ quay về mức khởi điểm, chưa đến 6 triệu đồng/tháng, làm sao đủ xoay xở. Vậy nên tôi chọn làm tự do, khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền trợ cấp thất nghiệp, tính ra được 12 triệu đồng/tháng, cao hơn cả mức thu nhập trước đó của tôi” – chị Kiều tính toán.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (quận 6, TP HCM) cũng có mặt từ rất sớm, chị tranh thủ hoàn tất các hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trước đó, chị Lan là nhân viên kinh doanh tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Bình. Tuy nhiên, sau khi sinh bé thứ 2, không tìm được người chăm sóc, chị buộc lòng phải nghỉ việc để lo cho con.
“Công việc của chồng vẫn đủ trang trải kinh tế gia đình. Mức trợ cấp thất nghiệp của tôi hằng tháng cũng hơn 5 triệu đồng, vừa đủ chi tiêu nên tranh thủ làm thủ tục hưởng. Tôi không có ý định nghỉ luôn, đợi con cứng cáp hơn sẽ quay trở lại với công việc” – chị Lan nói.
Anh Lê Văn Tuyền (huyện Bình Chánh, TP HCM), cũng đến ngày hội việc làm để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từng có hơn 15 năm làm kỹ sư xây dựng cho một doanh nghiệp tại quận 10, TP HCM, mức lương lên đến 30 triệu đồng/tháng. Năm qua, thị trường bất động sản đóng băng, công ty phá sản nên anh phải chịu thất nghiệp.
“Các gian hàng tuyển dụng ở đây chủ yếu tuyển lao động phổ thông, một vài DN tuyển dụng lao động có trình độ thì không phù hợp với chuyên môn và mức thu nhập tôi đề ra. Nhiều năm làm việc vất vả, tôi cũng muốn nghỉ ngơi một thời gian” – anh Tuyền nói.
Anh Tuyền cho biết thêm sắm tới sẽ chuyển sang làm việc tự do, không có ý định tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi về già. Vì vậy sau khi hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, anh sẽ làm thủ tục hưởng BHXH một lần.
Tham gia ngày hội việc làm để tuyển gần 70 lao động cho các vị trí như nhân viên sản xuất kinh doanh, kỹ thuật, kế toán, quản lý cửa hàng… nhưng bà L.H. phụ trách tuyển dụng cho một DN chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại quận 8, TP HCM ngồi hết buổi sáng nhận được chưa đến 10 hồ sơ.
Bà H. cho biết, để ứng phó với tình trạng khó tuyển lao động, với các vị trí cần lao động phổ thông, sẽ nhờ các vệ tinh tuyển dụng trực tiếp tại các tỉnh. Còn với lao động đòi hỏi trình độ chuyên môn sẽ thông qua các website tuyển dụng hoặc nội bộ giới thiệu. “Mặc dù ráo riết tìm người, nhưng cung luôn không đủ cầu. Người lao động hiện nay có xu hướng làm tự do, e ngại vào công ty vì không muốn gò bó khiến doanh nghiệp rất đau đầu trong việc tuyển dụng nhân sự” – bà H. than thở.