Việc áp dụng chính quyền số mang lại nhiều lợi ích cho cả chính quyền và người dân, giúp tiết kiệm nguồn lực, thời gian… thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Sáng 11/7, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Hội thảo “Chính quyền số và An toàn thông tin”, Sự kiện là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ Quốc tế iTECH EXPO 2024 với quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế, quy tụ các chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây cũng là cơ hội để các bên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng một hệ thống chính quyền số hiệu quả và an toàn.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, chính quyền số là một trong những mục tiêu chiến lược cấp quốc gia được ưu tiên hàng đầu. Chính quyền số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải tiến chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chính quyền…
Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó giám đốc Khu Công viên phần mềm Quang Trung, nhìn nhận: Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu và là yêu cầu khách quan trong quá trình phát triển của thời đại công nghệ số, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia tối ưu hóa hoạt động, gia tăng hiệu quả và nâng cao sự phục vụ đối với cộng đồng.
Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu kép: Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực hướng ra toàn cầu.
Doanh nghiệp trình diễn công nghệ mới nhất tại Diễn đàn công nghệ quốc tế iTECH EXPO – TP. Hồ Chí Minh 2024
Theo bà Phạm Thị Kim Phượng, chuyển đổi số là một hành trình dài, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội, từ sản xuất, phân phối, thương mại đến tiêu dùng, trong đó các hoạt động về quản lý, cung cấp dịch vụ công, hành chính… của chính quyền cũng không nằm ngoài xu hướng. Việc thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử hướng đến chính quyền số như một yêu cầu cần thiết và tất yếu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, bà Phạm Thị Kim Phượng nhìn nhận chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là trong việc đảm bảo bảo mật thông tin và quyền riêng tư trên không gian mạng. Do đó, việc đảm bảo an toàn thông tin, không những cho chính quyền số mà còn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trở thành một phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia.
Tham gia vào hội thảo với vai trò đơn vị phối hợp, ông Trần Anh Tuấn, Chủ nhiệm Liên minh Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh (DTA) cho biết: Một trong những nhiệm vụ của DTA là liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhằm tạo sức mạnh đủ lớn đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần vào sự phát triển của chính quyền số. Với những chủ đề xoay quanh chính quyền số, Liên minh Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh mong muốn được góp sức cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp… nhằm phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và tại Thành phố nói riêng.
Chuyên gia đầu ngành chia sẻ những kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp… nhằm phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng tại hội thảo
Tại hội thảo các chuyên gia đầu ngành có nhiều năm kinh nghiệm đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai những ứng dụng các hoạt động chuyển đổi số phục vụ chính quyền số, giải quyết các bài toán đang được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm, cùng hiệu quả thực tế mang lại. Đồng thời, chia sẻ vai trò và những kinh nghiệm thực tiễn về áp ứng dụng các giải pháp, xu hướng công nghệ chuyên sâu trong công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Các chuyên gia tại hội thảo đều có chung nhận định, chính quyền số mang lại nhiều lợi ích, không những hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn mà còn hỗ trợ hiệu quả các hoạt động của chính quyền, thúc đẩy cải tiến quy trình làm việc, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp. Đồng thời, tăng cường khả năng xử lý công việc nhanh chóng, chính xác cũng như tối ưu hóa nguồn lực, trang bị cho các cán bộ, công chức, viên chức có những kiến thức, công cụ, phương tiện tốt nhất để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ… Bên cạnh những lợi ích mang lại, quá trình triển khai chính quyền số vẫn còn nhiều thách thức đan xen, như về hạ tầng công nghệ, nhận thức, kỹ năng số, các quy định, chính sách và đặc biệt là vấn đề an ninh thông tin. Việc bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu của chính quyền là một thách thức lớn, đòi hỏi phải trang bị các biện pháp bảo mật và an ninh mạng chuyên sâu, hiện đại.
Theo báo cáo tổng kết tình hình An ninh mạng Việt Nam do Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam NCS thực hiện: Năm 2023, có 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 9,5% so với năm 2022.
Trong đó có tới 554 website của các cơ quan, tổ chức chính phủ và giáo dục có tên miền .gov.vn, .edu.vn bị xâm nhập, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ. Hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền tấn công, tăng 8,4% so với năm 2022; 342 trang web giáo dục có tên miền .edu.vn và 212 trang web của cơ quan chính phủ có tên miền .gov.vn đã bị tấn công, công khai chèn các đường dẫn ẩn (backlink) quảng cáo nội dung vi phạm pháp luật lên các website chính thống.
Đặc biệt có nhiều website bị tấn công lại nhiều lần mà không có cách khắc phục triệt để…Tình trạng dữ liệu cá nhân bị lộ ở mức báo động, kéo theo hàng loạt hình thức lừa đảo trực tuyến liên tục xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp thông qua các công nghệ tiên tiến như AI, deepfake…
Nguyễn Nam