Chiều 10-5, diễn đàn ‘Giáo dục vượt trội – Nâng niu bản sắc’ do Embassy Education tổ chức đã mang đến những góc nhìn về gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam trong môi trường quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định sự hiện diện của các trường quốc tế, các chương trình quốc tế tại Việt Nam là xu hướng trong thời kỳ hội nhập. Song, vấn đề nằm ở chỗ: làm sao để giữ được các giá trị Việt trong môi trường học tập toàn cầu.
Nhà giáo dục Thanh Bùi nhấn mạnh để thế hệ trẻ không chỉ biết mà còn phải hiểu về bản sắc thì trường quốc tế phải dạy các em về bản sắc và truyền thống.
“Ở trường Việt Nam Tinh Hoa bắt buộc học sinh phải nói lưu loát tiếng Anh và sõi tiếng việt. Các em được học về văn hoá truyền thống về lịch sử, từ cổ truyền dân gian ngày Tết cổ truyền tại sao phải gói bánh chưng, Tết Trung thu rước đèn lồng, các trò chơi dân gian tới lòng biết ơn và hiếu thảo. Thanh rất lo ngại, sự quốc tế hoá trong môi trường giáo dục hiện nay, việc chú trọng tiếng Anh và hội nhập sẽ khiến một thế hệ trẻ Việt Nam tuy nói trơn tru ‘hello’ nhưng lại không biết chào. Tiếng Việt không thể trở thành ngoại ngữ với thế hệ trẻ.
Mục tiêu cuối cùng, Thanh nghĩ, giáo dục toàn diện và xa hơn là phát triển vượt trội chính là tiếp thu tinh hoa học thuật quốc tế kết tinh với bản sắc truyền thống. Bản sắc và toàn diện mới đưa thế hệ trẻ Việt Nam đi ra thế giới, cạnh tranh, khác biệt. Người Việt Nam không thể hội nhập toàn cầu hiệu quả, vượt trội nếu không trả lời được mình là ai, mình đến từ đâu”.
Trước câu hỏi cụ thể về việc cân bằng và giáo dục bản sắc Việt cho hai con song sinh, Thanh Bùi không giấu diếm: “Thanh và hai con nói song song cả tiếng Việt và tiếng Anh. Các con nói với bà nội bằng tiếng Việt và nói với bà ngoại tiếng Hoa. Việc sử dụng đa ngôn ngữ giúp con người linh hoạt và dễ diễn đạt phù hợp từng bối cảnh. Điều khác biệt và cái hay của tiếng Việt là nó giúp chạm sâu vào suy ngẫm và tâm hồn sau đó”.
Thanh Bùi chia sẻ một trong những lý do khiến anh suy ngẫm và thay đổi về phương châm giáo dục toàn diện – toàn diện kết tinh với phát huy bản sắc. Trong một chuyến bay từ Hà Nội, anh chứng kiến hai mẹ con ngồi phía sau hoàn toàn đứt kết nối và đổ vỡ vì mẹ chỉ biết nói tiếng Việt nhưng con thì nói tiếng Anh. Chuyện xảy ra không chỉ cãi vã, bất đồng, điều Thanh bị tác động nhất là hai mẹ con ôm nhau khóc trong sự bất lực.
Câu chuyện đó làm Thanh vỡ ra thực tế hiện nay, khác ngôn ngữ thì dù sống chung nhà, cha mẹ và con cái cũng sẽ khác luôn trái tim. Thanh hỏi chính Thanh khi mở trường và cả phụ huynh rằng liệu chúng ta đang đánh đổi điều gì nếu thế hệ con em chúng ta chỉ giỏi tiếng Anh nhưng mất gốc, lơ lớ tiếng mẹ đẻ”.
Theo bà Ninh, giáo dục vượt trội hướng tới nền giáo dục không đại trà. Không đại trà thường được hiểu là dành cho nhóm nhỏ ưu tú. Nhưng nên hiểu là giáo dục không đại trà còn có nghĩa là tập trung phát triển sâu về học thuật, toàn diện.
Nguyễn Nam