Ngày 4.1, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, Công ty TNHH Minh Long I đã tổ chức loạt sự kiện gồm khánh thành nhà máy, giới thiệu về công trình Bảo tàng Gốm sứ Minh Long và ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới. Trong đó, Bảo tàng Gốm sứ Minh Long là nơi nghệ thuật, kỹ thuật và bản sắc Việt hòa quyện trong mỗi tác phẩm sứ độc bản, cùng Minh Long tiếp tục hành trình lan tỏa tinh hoa gốm sứ Việt vươn tầm thế giới…
Tham dự sự kiện có ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành…
Nghệ nhân nhân dân Lý Ngọc Minh – người sáng lập Công ty Minh Long (thứ 4 từ trái) giới thiệu với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các đại biểu về bức phù điêu có kích thước ngoại hạng, ghi lại lịch sử và cuộc sống phát triển của đất nước. Ảnh: Trung Dũng
Điểm nhấn của sự kiện đó là việc Công ty Minh Long công bố về Bảo tàng Gốm sứ Minh Long, được coi là không gian nghệ thuật độc bản tôn vinh văn hóa Việt, dự kiến sẽ mở cửa đón khách khoảng giữa năm 2025.
Công trình đặc biệt này được khởi nguồn cách đây hơn hai thập kỷ, từ đôi bàn tay tài hoa và trái tim nhiệt huyết của Nghệ nhân nhân dân Lý Ngọc Minh – người sáng lập Công ty Minh Long. Từ những ngày đầu thành hình về một không gian trưng bày các tác phẩm sứ độc bản, ông Minh không ngừng trăn trở “Làm thế nào để gốm sứ Việt trở thành một di sản mang tầm vóc quốc tế?”.
Theo ông Lý Ngọc Minh hành trình tìm câu trả lời là chuỗi ngày miệt mài nghiên cứu và lao động bền bỉ. Để cho ra đời một kiệt tác độc bản, cần hàng nghìn giờ lao động tỉ mỉ, cùng sự sáng tạo không ngừng. Đó không chỉ là nỗ lực của riêng người nghệ nhân, mà là sự đồng lòng của một tập thể: từ Ban Tổng giám đốc là thế hệ kế thừa công ty, đến đội ngũ cán bộ – công nhân viên tài năng và các đối tác quốc tế, chung một khát vọng nâng tầm gốm sứ Việt trên bản đồ nghệ thuật thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, Nghệ nhân nhân dân Lý Ngọc Minh cho biết: “Hành trình này bắt đầu hơn nửa thế kỷ, khi nhà máy đầu tiên được dựng nên từ những chất liệu đơn sơ nhất: tranh, tre, lá, tôn. Tôi chưa từng học cách xây dựng hay vận hành một nhà máy gốm sứ bài bản, chỉ đơn giản là bắt tay vào vừa học vừa làm, tôi từng đập bỏ 5-6 lần để sửa sai và hoàn thiện dần nhà máy.
Những bước đi nhỏ ngày ấy chính là nền tảng để Minh Long xây dựng một nhà máy khác biệt, từ gốc rễ đến ngọn ngành một cách bài bản. Giờ đây, chúng tôi không chỉ chuyên sản xuất những sản phẩm gốm sứ cao cấp, mà còn tự sản xuất đất – men – khuôn – giấy hoa – điện cơ khí, tất cả đầu vào đều trong cùng nhà máy với một hệ thống khép kín từ A đến Z, khó có hãng nào trên thế giới làm được.
Đặc biệt, với công nghệ nung một lần ở nhiệt độ 1.380°C theo tiêu chuẩn châu Âu, và còn có cả tự động nung một lần với dây chuyền sản xuất hiện đại, Minh Long không chỉ tối ưu chi phí mà còn tạo ra những sản phẩm sứ đột phá công nghệ cao về kỹ thuật nung 1 lần, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng và thẩm mỹ. Đồng thời tôn vinh được bản sắc văn hóa Việt Nam qua chất liệu sứ cao cấp 1.380°C (tiêu chuẩn cao nhất của Đức)”.
Người sáng lập Công ty Minh Long cho biết ban đầu chỉ nghĩ đến việc xây dựng tại nhà máy này một văn phòng có showroom trưng bày. Tuy nhiên, với khát khao đưa ngành gốm sứ của Việt Nam lên một tầm cao mới luôn thôi thúc, ông lại cảm thấy canh cánh một câu hỏi: “Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất và trưng bày, liệu chúng tôi đã thật sự hoàn thành sứ mệnh của một hãng gốm sứ bài bản chưa, và có xứng tầm với vị thế của một thương hiệu gốm sứ nổi tiếng không?”. Theo ông Lý Ngọc Minh đó cũng là lúc ý tưởng về Bảo tàng Gốm sứ Minh Long hiện về.
“Tôi nhớ lại các anh lãnh đạo tỉnh (Bình Dương) cũng luôn luôn yêu cầu tỉnh có một bảo tàng gốm sứ tiêu biểu cho một địa phương vốn là vùng đất gốm sứ nổi tiếng cả nước, và nhiều lần mong muốn tôi thực hiện”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết thêm bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày những sản phẩm sứ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mà đó còn là thứ ngôn ngữ truyền tải những giá trị văn hóa và nghệ thuật của người Việt đã được gìn giữ qua bao thế hệ. Đồng thời thể hiện trọn vẹn câu slogan “Tinh hoa từ đất – Tinh xảo từ người” của Minh Long.
“Qua đó, tôi kỳ vọng thế giới sẽ biết rằng Việt Nam cũng có những tác phẩm sứ tuyệt đẹp, được tạo nên từ những con người tài hoa của đất nước. Từ đây, người Việt Nam hoàn toàn tự hào về văn hóa nghệ thuật và kỹ thuật sản xuất gốm sứ của đất nước mình, với các họa tiết cũng như mỹ thuật đặc sắc được sáng tạo và thể hiện qua công nghệ sản xuất độc đáo của Minh Long”, Nghệ nhân nhân dân Lý Ngọc Minh nhấn mạnh.
Hơn 20 năm miệt mài xây dựng một di sản văn hóa nghệ thuật trường tồn, Minh Long đã viết nên một chương mới trong lịch sử gốm sứ Việt. Với sự ra đời của bảo tàng này nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn trở thành niềm kiêu hãnh của dân tộc.
Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng chính là sự hiện diện của rất nhiều tác phẩm gốm sứ lần đầu tiên được Minh Long chế tác và giới thiệu đến thế giới. Trong đó nổi bật nhất là chén ngọc có đường kính ngoại cỡ 4,5m giữa đài phun nước làm điểm nhấn công trình nhà máy rất ấn tượng và đầy ý nghĩa. Thứ hai là bức phù điêu có kích thước ngoại hạng, ghi lại lịch sử và cuộc sống phát triển của đất nước. Tavs phẩm này đồng thời là biểu tượng truyền thống của sự đoàn kết và phát triển đất nước của Việt Nam.
Tiếp đó là 3 bộ đèn chùm 100% bằng sứ, to lớn kỷ lục nặng hơn 3 tấn, lấy cảm hứng từ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên. Đặc biệt nhất là một dàn nhạc cụ sứ, lần đầu tiên xuất hiện cây đàn sứ violon trên thế giới, sẽ mang đến sự trải nghiệm âm nhạc mới lạ cho khách tham quan. Và cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo khác…
Không gian trưng bày không chỉ giới thiệu những tác phẩm sứ đậm chất Việt, mà còn thể hiện sự kế thừa và tiếp nối di sản của Minh Long qua các thế hệ. Tại đây, những tác phẩm sứ mang hơi thở phương Đông hòa quyện cùng nghệ thuật phương Tây hiện đại, tạo nên sự đa dạng và độc đáo hiếm có.
Tranh sen bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông với mùa xuân sen nở chớm nở, mùa hạ nắng chói, mùa thu chuồn chuồn rợp trời báo hiệu thời tiết thay đổi, đến đông lá và hoa dần tàn. Bốn mùa biểu thị dòng chảy thời gian, triết lý luân hồi. Ảnh: Trung Dũng
Bức tranh đồng hồ bướm với hàng trăm cánh bướm làm bằng chất liệu sứ hội tụ như giấc mộng thần tiên. Người đưa ra ý tưởng bức tranh đặc biệt này là ông Lý Huy Sáng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I. Ảnh: Trung Dũng
Đặc biệt, từng khu vực được thiết kế như một cuốn biên niên sử sống động, dẫn dắt người xem qua từng giai đoạn phát triển của gốm sứ Việt. Điều này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của thương hiệu, mà còn khẳng định vị thế của gốm sứ Việt trong dòng chảy sáng tạo đương đại.
“Tôi tin rằng bảo tàng không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Mà nơi đó, chúng ta còn hiểu được rằng, điều quan trọng không phải là học ở đâu, mà là học và làm điều đó như thế nào! Để mỗi người chúng ta có thể cảm nhận, rút ra kinh nghiệm một cách sâu sắc về sự chia sẻ của Minh Long để hướng đến một mục tiêu mong muốn của riêng mình. Như cách chúng tôi đã khởi tạo thành công Nhà máy và Bảo tàng Gốm sứ Minh Long”, ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.
Sau khi tham quan không gian bảo tàng gốm sứ đặc biệt sắp mở cửa phục vụ công chúng rộng rãi trong thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng Bảo tàng Gốm sứ Minh Long sẽ là một mảnh ghép quan trọng trong kho tàng văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm sứ độc bản sẽ có vai trò như một “sứ giả” quảng bá nét đẹp truyền thống, văn hóa và đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế…