Cán bộ Công đoàn kiến nghị rà soát để bổ sung các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tạo điều kiện cho công nhân ngành dệt may được nghỉ hưu sớm hơn, nhất là lao động nữ.
Tại một hội nghị góp ý luật, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG TaeKwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã bày tỏ băn khoăn về phương pháp xác định ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện nay.
Theo ông Phúc, trước đây đa số công việc ngành giày da, may mặc nằm trong danh mục ngành nghề nặng nhọc độc hại nên người lao động làm công việc nặng nhọc được chăm sóc tốt hơn, ở nhiều vị trí công việc được nghỉ hưu trước tuổi (không quá 5 năm).
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (có hiệu lực từ 1-3-2021) thì hầu hết công đoạn trong ngành giày da trong danh mục nghề nặng nhọc độc hại đã không còn nặng nhọc độc hại do phương pháp đánh giá thay đổi.
Ông Phúc lý giải, Điều 2 của thông tư 11 quy định các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động chủ động rà soát, đánh giá Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo phương pháp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.
Như vậy, muốn xác định công đoạn đó là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, doanh nghiệp phải mời bên thứ 3 (được cấp phép của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về đánh giá. Tuy nhiên, công ty có nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành khác nhau nên khi mời các đoàn đến đánh giá thì xảy ra trường hợp cùng một công đoạn nhưng mỗi nhà máy, các đoàn đưa ra đánh giá khác nhau do điều kiện làm việc cũng như ứng dụng công nghệ, máy móc khác nhau…
“Việc thay đổi cách đánh giá, tiếp cận đối với công việc nặng nhọc, độc hại khiến cho doanh nghiệp và Công đoàn rất khó để giải thích cho công nhân hiểu. Nhiều lao động làm các công đoạn trước đây là công việc nặng nhọc nhưng nay lại không còn nặng nhọc cảm thấy thiệt thòi, nhất là khi họ đã đóng được 13, 14 năm BHXH bắt buộc, sức khỏe không đảm bảo và mong muốn nghỉ hưu sớm. Do vậy, tôi cho rằng nên có hướng giải quyết quyền lợi cho họ” – ông Phúc đề xuất.
Về vấn đề này, đại diện LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng theo quy định Bộ Luật Lao động năm 2019 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng dần (60 tuổi đối với nữ và 62 đối với nam). Tuy nhiên với tuổi này rất ít người còn được làm việc và có đủ sức khỏe để làm việc tại các doanh nghiệp. Trước đây, danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có rất nhiều công việc là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ví dụ như dệt may thì gần như toàn bộ công việc của ngành là công việc nặng nhọc nhưng hiện nay theo quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH đã bỏ đi khá nhiều công việc dẫn đến người lao động không được về hưu sớm hơn 5 năm.
Do vậy, cùng với việc sửa Luật BHXH (sửa đổi), LĐLĐ tỉnh cũng kiến nghị rà soát để bổ sung các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ hưu sớm hơn vì việc tăng tuổi về hưu làm người lao động nữ phải làm việc dài hơn.