Mặc dù là hành vi bị cấm trong Luật Nhà ở 2014 và Luật Nhà ở 2023, nhưng các hoạt động cho thuê lưu trú ngắn hạn tại một số khu chung cư vẫn đang diễn ra rầm rộ, đặc biệt là tại các thành phố, điểm đến du lịch nổi tiếng.
Lực cầu lớn đến từ ngành du lịch
Trong những năm gần đây, việc sử dụng căn hộ chung cư để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch đã trở nên phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt thông qua các nền tảng ứng dụng trực tuyến như hay các nhóm mạng xã hội.
Nổi bật trong số đó, AirBnb – một nền tảng cho thuê nhà trực tuyến đã tạo ra một thị trường mới cho chủ sở hữu căn hộ và du khách, nơi họ có thể kết nối trực tiếp để tìm kiếm chỗ ở phù hợp. Sự phổ biến của mô hình cũng hình thành các cộng đồng trực tuyến với hàng trăm nghìn người tham gia trên các mạng xã hội, trở thành nơi các chủ nhà có thể chia sẻ kinh nghiệm đồng thời tạo nên các nhóm cho thuê đông đảo.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay các thành phố du lịch như Quy Nhơn, Nha Trang, Hạ Long… việc cho thuê căn hộ ngắn ngày thông qua các ứng dụng trực tuyến trở thành một cơ hội sinh lời hấp dẫn đối với người sở hữu chung cư. Thậm chí, việc đầu tư căn hộ chung cư để cho thuê trên AirBnb từng trở thành xu hướng trước khi ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
du bi cam hoat dong cho thue ngan han tai can ho chung cu van rat soi dong hinh 1
Khách du lịch có thể dễ dàng tìm thuê các căn hộ chung cư cho nhu cầu lưu trú ngắn hạn tại nhiều thành phố du lịch nổi tiếng
Chia sẻ về hoạt động này, anh Nguyễn Văn Long – chủ sở hữu 5 căn hộ chung cư 2 phòng ngủ tại Quy Nhơn (Bình Định) cho biết: “Thay vì cho thuê theo tháng để thu về 7 triệu đồng/tháng thì mỗi căn hộ cho thuê ngắn hạn trên các ứng dụng hoặc mạng xã hội có thể thu về khoảng 800 ngàn/đêm. Giai đoạn cao điểm của ngành du lịch, tỷ lệ lấp đầy các căn hộ có thể lên tới 80-90%, giúp khả năng sinh lời tốt hơn nhiều so với cho thuê ngắn hạn”.
Tuy nhiên theo anh Long, việc cho thuê ngắn hạn cũng phụ thuộc vào sự phát triển của ngành du lịch. Trong trường hợp ít khách, chủ nhà này vẫn phải chuyển đổi một số căn hộ sang mô hình cho thuê dài hạn để tránh tình cảnh nhà để không.
Tương tự, anh Việt Hà (Hạ Long, Quảng Ninh) cũng có dòng tiền ổn định nhờ mô hình cho thuê ngắn ngày thông qua ứng dụng AirBnb trong nhiều năm nay. Anh này cũng cho biết, căn hộ chung cư được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng hơn khách sạn vì không chỉ đáp ứng chỗ ở, bếp nấu mà còn cả các tiện ích riêng của cư dân.
“Khách thuê có thể sử dụng các tiện ích của khu chung cư, đồng thời cũng có một tầm view đẹp không kém so với các khách sạn cao cấp. Trong khi đó, giá thuê một căn hộ chung cư lại rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với thuê khách sạn. Do đó, nhiều khách du lịch vẫn ưa chuộng mô hình này và tôi nghĩ nó sẽ không bị lỗi thời vì đáp ứng được nhu cầu thực tế”, anh Hà chia sẻ.
Nhiều ý kiến phản đối với hoạt động cho thuê ngắn ngày
Mặc dù là mô hình đáp ứng được cho nhu cầu thực tế của ngành du lịch, tuy nhiên các chủ căn hộ cho thuê lưu trú ngắn hạn lại nhận phải nhiều ý kiến phản đối từ chính cư dân đang sinh sống trong cùng tòa nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình này gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự của tòa nhà, đặc biệt là ảnh hưởng quyền lợi của cư dân khi gây quá tải các dịch vụ tiện ích. Ngoài ra, khách thuê thường là khách du lịch, khung giờ hoạt động sẽ khác với các cư dân sinh sống lâu dài. Cùng với tâm lý ăn chơi, nghỉ dưỡng cũng khiến nhiều khách du lịch vi phạm các nội quy chung của tòa chung cư như hoạt động quá giờ, gây ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm.
Do đó, nhiều khu chung cư đã thống nhất nghiêm cấm chủ sở hữu hoạt động kinh doanh theo hình thức cho thuê theo giờ, theo ngày. Thậm chí treo băng rôn, biển cấm hoạt động kinh doanh homestay ngay tại cổng như tại Chung cư Vũng Tàu Melody (phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa qua.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn khẳng định hành vi sử dụng chung cư và mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ theo ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Và tại khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 cũng quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Trước đó tại Điều 6 luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Theo như quy định, hoạt động cho thuê căn hộ chung cư theo ngày, theo giờ là hoạt động lưu trú, giống như hoạt động của khách sạn và cần có giấy phép về kinh doanh dịch vụ lưu trú. Khi kinh doanh dịch vụ lưu trú phải xuất hóa đơn, khai báo thuế và đóng thuế, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an ninh. Bên cạnh đó, khách phải đăng ký tạm trú với cấp chính quyền địa phương.
Cụ thể, các điều kiện cơ sở lưu trú, lưu trú du lịch phải đáp ứng được quy định trong các văn bản như Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Du lịch; Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đối với hành vi sử dụng căn hộ chung cư không phải mục đích để ở sẽ bị phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng và buộc sử dụng căn hộ vào mục đích để ở, tức dừng lại hoạt động kinh doanh. Đối với hành vi sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp khác đi so với mục đích ban đầu (kinh doanh lĩnh vực khác) thì sẽ bị phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng và buộc sử dụng đúng mục đích ban đầu, tức dừng lại các hoạt động kinh doanh sai mục đích.