Trong 6 tháng đầu năm 2024, người dùng Việt đã chi tổng cộng 143.900 tỷ đồng để mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử.
Nội dung này được nêu trong báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo quý III/2024 vừa được Metric công bố.
Theo báo cáo, thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng. Các sàn thương mại điện tử lớn đều đạt kết quả tích cực, phản ánh tiềm năng lớn và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường này.
Cụ thể, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54.91% và 65.55% so với cùng kỳ 2023.
Mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường eCommerce, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Theo Metric, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ 2 sàn Tiktok Shop và Shopee. Bởi xét trên 5 sàn thương mại điện tử, chỉ có Tiktok Shop và Shopee có tăng trưởng dương, lần lượt tăng trưởng 150,54% và 65,97% về doanh số so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cho thấy, 3/4 doanh số trên sàn Shopee đến từ các shop có kho hàng tại Hà Nội và TP. HCM. Ngoài TP. HCM và Đà Nẵng, các kho hàng có doanh số cao chủ yếu tập trung tại các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng có dân cư đông đúc.
Làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa- đời sống là 3 ngành dẫn đầu về doanh số và sản lượng trên 5 sàn thương mại điện tử trong 6 tháng đầu năm 2024.
Xét tổng chung toàn thị trường, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn được ưu tiên, có xu hướng tăng khoảng 3% thị phần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng điện thoại – máy tính bảng. Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất, có tới 4 thương hiệu thuộc ngành này, với những cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi.
Trong top 10, chỉ có duy nhất Vinamilk là thương hiệu Việt Nam. Điều đó cho thấy mức độ cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử, và các thương hiệu nội địa cần chiến lược kinh doanh khéo léo hơn để tăng cường sức cạnh tranh trên các sàn ngay tại sân nhà.
Dự báo trong quý III/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 88.3 nghìn tỷ đồng với 944 triệu sản phẩm được bán ra; tăng lần lượt 23,2% và 23,1% so với quý II/2024.